Đang truy cập: 8
Trong ngày: 94
Trong tuần: 601
Lượt truy cập: 399693

Hai bệnh này rất hay gặp, khá đặc hiệu cho lứa tuổi cao. Nhưng tiếc thay lại ít được biết đến, vì vậy đã gây tác hại không nhỏ. Điều cần nói là nếu chú ý thì sự phát hiện cũng dễ và nếu điều trị sớm thì kết quả rất tốt.

Gọi là hai bệnh cũng được mà gọi là một bệnh cũng đúng vì chúng thường kết hợp chặt chẽ với nhau, có thể đồng thời xuất hiện hoặc bệnh này đi trước bệnh kia, ít khi tồn tại riêng rẽ, độc lập và hiện nay cũng có nhiều bằng chứng là chúng có thể có chung nguyên nhân cơ chế.

Đó là bệnh "giả viêm đa khớp gốc chi" (GVĐKGC) còn gọi là Pseudopolyarthrite rhizomélique hay polymyalgia rheumatica. Bệnh kia là bệnh Horton (B.H) còn gọi là bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ.

Bệnh GVĐKGC gần như bao giờ cũng chỉ gặp ở người cao tuổi. Đặc điểm là đau kèm theo cứng gáy, cứng vai, đau cứng hai bên đối xứng ở phần trên của cánh tay, khung chậu, phần trên của đùi (gốc chi). Đau và cứng làm hạn chế mọi cử động nhất là về buổi sáng, đó là một đặc điểm bệnh nhân dễ ghi nhận. Các triệu chứng như sốt, khó chịu toàn thân, gầy sút cân rất thường gặp và vì vậy hay kèm hội chứng trầm cảm, lo âu, bi quan về bệnh tật. Dấu hiệu bất thường chủ yếu về xét nghiệm là tăng rất mạnh tốc độ lắng máu (có thể tăng đến 50-60mm trong giờ đầu). Việc bệnh đáp ứng về lâm sàng và xét nghiệm (tốc độ lắng máu) nhanh chóng với liều thấp cortico-Steroid, cũng rất đặc biệt. Hiện tượng may mắn đó nói lên sự cần thiết phải phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Bệnh Horton (B.H) là một danh từ bệnh lý dùng để chỉ một tình trạng viêm động mạch u hạt hoại tử, chủ yếu ở động mạch chủ và các nhánh cỡ trung bình với tính chất lan tỏa. Gặp chủ yếu ở người cao tuổi nữ và cũng có đặc điểm như bệnh trên là tốc độ lắng máu rất cao. Nguy hiểm của bệnh là có thể gây mù đột ngột do huyết khối ở động mạch trung tâm võng mạc hoặc do viêm dây thần kinh thị giác bị thiếu máu nuôi, hậu quả tai hại của viêm động mạch thái dương. Biểu hiện thường gặp là nhức đầu, rối loạn thị giác, các cơn đau cách hồi ở các cơ nhai, kèm theo sốt. Sờ nắn vào vùng động mạch thái dương sẽ phát hiện được một động mạch cứng, lăn dưới ngón tay và rất đau. Bệnh Horton có thể xảy ra trước hoặc sau các biểu hiện của GVĐKGC. Bệnh này cũng đáp ứng với corticoid nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì mù khó có thể cứu vãn được.

Bệnh GVĐKGC được một thầy thuốc vùng Ecốt (Bruce) mô tả đầu tiên năm 1888. Bệnh viêm động mạch thái dương được Hutchinson biệt lập vào năm 1890 đều là ở người già. Horton năm 1932 tìm thấy hình ảnh tổ chức học của viêm động mạch ở cả hai bên. Những ý nghĩ đầu tiên về mối liên quan có thể có giữa GVĐKGC và BH được Porsman đề xuất năm 1951. Tuy nhiên mặc dầu GVĐKGC và BH thường cùng song song tồn tại, cũng có trường hợp các bệnh đó xuất hiện riêng rẽ.

Nguyên nhân chưa được biết rõ. Vì bệnh hay xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi - thời gian bắt đầu thông thường từ tuổi 65-70 - nên nhiều người cho là do tuổi già. Tuy nhiên cũng chưa có thể giải thích được sự lão hóa tác động như thế nào trong cơ chế bệnh sinh. Một số công trình gợi ý có vai trò của miễn dịch, hoặc là một kháng thể chống lại thành động mạch hoặc có lắng đọng các phức hợp miễn dịch lưu động. Các rối loạn về miễn dịch tế bào cũng đã được công bố nhưng chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên sự có mặt của các tế bào huyết tương và sự hình thành u hạt với các tế bào khổng lồ ở kế cận màng chun trong, bị đứt đoạn của các động mạch bị tổn thương, tiếp tục biện hộ cho vai trò của miễn dịch tế bào nhất là đối với bệnh Horton. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 133 trường hợp cho 100.000 dân từ 50 tuổi trở lên. Chẩn đoán GVĐKGC/BH cần được nghĩ đến trước một bệnh nhân tuổi cao có đau ở các vùng gốc chi, hạn chế cử động, nhức đầu, có rối loạn thị giác, sốt, thiếu máu và tăng mạnh tốc độ lắng máu.

Với việc điều trị corticoid, các triệu chứng của GVĐKGC có thể bị xóa bỏ và các biến chứng của bệnh Horton như mù, tách động mạch chủ có thể được ngăn ngừa. Những bệnh nhân GVĐKGC đơn thuần đáp ứng một cách rõ rệt với liều 10-15mg Prednison mỗi ngày, tác dụng lâm sàng thấy ngay sau 12-36 giờ và tốc độ lắng máu trở về bình thường trong vòng 2-4 tuần. Việc điều trị bệnh Horton cần liều cao hơn, từ 40-60mg Prednisolon mỗi ngày. Nếu có các dấu hiệu về thị giác và các biến chứng nặng như phồng động mạch chủ thì việc điều trị bằng corticoid phải được coi như một cấp cứu, sau đó làm ngay sinh thiết động mạch thái dương. Khi các dấu hiệu bệnh lý đã thuyên giảm, có thể hạ dần liều xuống mức thấp nhất còn giá trị và duy trì ở liều đó. Thời gian điều trị ít nhất phải 1 năm, thông thường là 2 năm, kết quả rất tốt.

Như ta thấy, chẩn đoán bệnh không khó, điều trị giản đơn, hiệu quả điều trị rõ rệt. Vấn đề quyết định ở đây là phải nghĩ đến khả năng mắc bệnh này ở người cao tuổi, điều mà hiện nay chưa được chú ý đúng mức, do đó đã để gây nên những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc

GS PHẠM KHUÊ

Viện Lão khoa

 
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh
 
Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh
 
Tel : 028.39325884 - Fax: 028.39325965.
 
Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected]