Đang truy cập: 8
Trong ngày: 242
Trong tuần: 586
Lượt truy cập: 1065929

Trong thời gian qua, tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn đã xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự mà cụ thể là các vụ việc người nhà bệnh nhân vì lý do nào đó đã đập phá và hành hung y bác sĩ. Trước thực trạng trên, hôm nay (9.12), Bộ Y tế và Báo Lao động phối hợp tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện” để cùng tìm hướng giải quyết triệt để vấn nạn trên.

TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng vụ truyền thông thi đua khen thưởng Bộ Y tế và Phó Tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc cùng chủ trì cuộc toạ đàm. Ảnh Kỳ Anh

Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, đại diện Công an Thành phố Hà Nội, Công an các quận, huyện, đại diện các Bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn…

Hiện chưa có một thống kê cụ thể về các vụ bạo hành nhân viên y tế trong ngành y trong thời gian qua. Còn theo một thống kê sơ bộ từ năm 2013 đến nay cho thấy, đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện trong cả nước.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn về an ninh trật tự trong bệnh viện đã được đưa ra như: Biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm  đúng mức, sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng quá tải các bệnh viện… Bên cạnh đó, y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, khiến cho nhân dân bất bình, nảy sinh các hành vi quá khích.

Mở đầu buổi toạ đàm, Tổng biên tập báo Lao Động ông Trần Duy Phương khẳng định từ lâu báo Lao động đã mong muốn được tổ chức một cuộc toạ đàm bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện và buổi toạ đàm hôm nay là cơ hội để toàn xã hội chung tay bảo vệ người lao động ngành y.

Chính thức khai mạc toạ đàm, TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng vụ truyền thông thi đua khen thưởng phát biểu: "Thời gian qua tại một số bệnh viện xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, làm mất trận tự an ninh bệnh viện. Ngoài ra còn nhiều vụ việc cán bộ y tế bị hành hung, lăng mạ đã được các phương tiện truyền thông đưa tin. 

Những vụ việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh, lòng nhiệt tình của các cán bộ y tế trong khám chữa bệnh. Để bảo vệ quyền lợi của các thầy thuốc và chính bệnh nhân, hôm nay Bộ Y tế phối hợp với Báo Lao động tổ chức Diễn đàn… Số vụ hành hung nhân viên y tế ngày càng gia tăng, khiến đội ngũ điều dưỡng, thầy thuốc không yên tâm. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã công khai, minh bạch đưa những hiện tượng nói trên ra dư luận, giúp các cơ quan an ninh vào cuộc, bảo đảm tính mạng, an toàn cho các cán bộ y tế. Mong rằng qua diễn đàn hôm nay, các cấp chính quyền, các hội ban ngành sẽ có biện pháp xử lý với những  người quá khích để ngăn chặn những vụ việc không mong muốn xảy ra. Đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ các nhân viên y tế, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, đảm bảo môi trường tốt cho các nhân viên y tế hoàn thành nhiệm vụ."

Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh Kỳ Anh 

Tại buổi tọa đàm, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế trình bày báo cáo về Tai biến y khoa, rủi ro nghề nghiệp, thực trạng và giải pháp. Thạc sĩ Khoa đưa ra đánh giá về thực trạng mất an ninh, trật tự tại một số bệnh viện trên cả nước thời gian vừa qua trong đó nhấn mạnh tính chất ngày càng manh động và nguy hiểm của các vụ việc. 

Lý giải về tình trạng trên, Thạc sĩ Khoa đề cập tới các nguyên nhân khác nhau gồm đạo đức xã hội xuống cấp; sự manh động của một số đối tượng; cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa bảo đảm; khung pháp lý chưa đủ sức răn đe các hành vi xâm phạm thân thể và tinh thần thầy thuốc; việc phòng ngừa mất an ninh bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức; vấn đề phối hợp trong phòng ngừa và xử lý mất an ninh, an toàn bệnh viện; tình trạng thiếu chuyên nghiệp của một số thầy thuốc, một số vấn đề trong cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…

Thạc sĩ Khoa đưa ra đề xuất các nhóm giải pháp ở 6 góc độ: Thầy thuốc, bệnh viện, ngành y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng.

Các thầy thuốc, y bác sĩ phải nâng cao tính chuyên nghiệp, phải chăm sóc và điều trị người bệnh chứ không chỉ điều trị bệnh. Quan điểm chủ đạo phải coi người bệnh là trung tâm. Bên cạnh đó, thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, phải có kiến thức, kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh, cộng đồng để ứng xử phù hợp.

Ở các bệnh viện, cần cải tạo cơ sở hạ tầng an ninh như hệ thống camera, hệ thống cửa từ, cửa sổ, chuông báo động, kiểm soát ra-vào…

Bệnh viện cũng cần đào tạo nhân viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh, người nhà đồng thời tổ chức tốt bộ máy bảo vệ, an ninh bệnh viện-đội phản ứng nhanh. Các bệnh viện cũng nên hợp tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh trên địa bàn để xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

 TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng phát biểu khai mạc buổi toạ đàm.

Về phía ngành y tế, thạc sĩ Khoa nhận định cần xây dựng, công bố những tiêu chí, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn bệnh viện, hoàn thiện văn bản pháp lý, chấn chỉnh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử, tăng cường kiểm tra, giám sát. Ngành cũng cần tăng cường phối hợp liên ngàng y tế- Công an-chính quyền địa phương đồng thời giảm áp lực, căng thẳng cho nhân viên y tế.

Thạc sĩ Khoa đưa ra đề xuất các giải pháp mang tính phối hợp từ các ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Công an và Tư pháp cần tích cực phối hợp với ngành y tế; điều chỉnh khung pháp lý với hành vi xâm phạm than thể, tinh thần thầy thuốc; hỗ trợ kỹ thuật và nhân lực trong công tác an ninh bệnh viện. Ngành xây dựng đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng bệnh viện có tính đến an ninh, an toàn bệnh viện. Ngành văn hóa cần có thêm những tác phẩm nghệ thuật để tăng cường tôn vinh thầy thuốc, phân tích những vấn đề tâm lý.

Đại diện Bộ Y tế đồng thời cũng đưa ra đề nghị cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền phù hợp; định hướng dư luận, phê phán các hành vi tiêu cực trên tinh than xây dựng, tránh thông tin một chiều gây bức xúc dư luận; nhận thức đúng về sự cố y khoa, đưa thông tin về vấn đề liên quan khách quan, khoa học, không tạo thêm bức xúc xã hội; tuyên truyền các tấm gương, hình ảnh đẹp về thầy thuốc.

 Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế trình bày báo cáo về Tai biến y khoa, rủi ro nghề nghiệp, thực trạng và giải pháp.

Liên quan tới yếu tố cộng đồng, đại diện Bộ Y tế cho rằng cần giáo dục người dân tuân thủ pháp luật, phản ứng với hành vi tiêu cực của nhân viên y tế phù hợp trên tinh thần xây dựng; không cổ xúy cho hành vi bạo lực; cảm thông, chia sẻ với khó khăn của thầy thuốc, ngành y; tham gia bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Trần Quỵ-Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động; Nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi về những rủi ro trong ngành y. GS. Trần Quỵ cho rằng nghề y là một nghề đặc biệt, chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội. Thái độ hành vi không đúng của người bệnh và người nhà bệnh nhân khi không thỏa mãn yêu cầu của họ trong khi điều kiện để đáp ứng không có, người thầy thuốc không thể thực hiện được. 

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ an toàn và bảo hiểm nghề nghiệp cũng như chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ công chức ngành y tế. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận, sai sót và tai biến “luôn thường trực” xảy ra mọi lúc , mọi nơi, mọi tình huống, trên mọi thiết bị, trong mọi quy trình, ở mỗi cá nhân, mỗi cơ sở khám chữa bệnh, có phạm vi quốc gia và quốc tế.

Theo GS Quỵ, cần thiết phải quản lý chất lượng và an toàn người bệnh. Trong đó, hệ thống tổ chức bệnh viện hiện nay tiềm ẩn nhiều “khoảng trống-GAP” về chất lượng và thiếu hệ thống thông tin đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó, văn hóa chất lượng và an toàn người bệnh tập trung vào lỗi cá nhân, chưa chú ý lỗi hệ thống và nguyên nhân gốc.

Kết thúc tham luận, GS.Quỵ nhận định sự cố y khoa là vấn đề mang tính toàn cầu, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, thu hút sự quan tâm của cả trong và ngoài ngành y tế. Nhầm lẫn y khoa là chỉ số chất lượng thiết yếu và gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng người bệnh, kinh tế, xã hội, uy tín bệnh viện và cộng đồng. Theo GS. Nguyên nhân chủ yếu của các sự cố này chủ yếu là do lỗi hệ thống.

GS nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn người bệnh, cần hiểu rõ an toàn người bệnh là uy tín của bệnh viện và là đạo đức của cán bộ y tế. An toàn người bệnh cũng là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế, đồng thời GS khuyến nghị nên thành lập các tổ chức quốc gia và các cơ ở phát hiện, báo cáo xử lý đúng các sai sót.

GS-TS.Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai  cho rằng, hiện nay, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, phải chịu sức ép rất lớn nên ảnh hưởng phần nào đến thái độ, tâm lý các y bác sĩ. Trong thời gian gần đây, tình hình mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là nhân viên y tế bị bạo hành trong bệnh viện đang có xu hướng gia tăng với mức độ bạo hành ngày càng có khuynh hướng táo tợn và nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần cán bộ y tế.

GS. Châu kiến nghị cần có sự phối hợp các cơ quan pháp luật để phát hiện, điều tra, xử lý đúng người đúng việc. Các phương tiện thông tin đại chúng thông tin rộng rãi, như một công cụ cảnh báo với người dân, giúp người dân hiểu không được có những hành động bạo hành và làm như vậy sẽ bị xử lý theo pháp luật. 

Đối với cơ chế để bảo vệ nhân viên: các bác sĩ, nhân viên cần được đào tạo kỹ hơn về pháp lý y khoa; nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong bệnh viện, hạn chế các vụ việc căng thẳng hơn. Sớm có cơ chế bảo hiểm cho cán bộ y tế, có luật sư để chẳng may có sai sót y khoa xảy ra có thể đàm phán, giải quyết với người nhà bệnh nhân.

GS.TS Trần Quỵ-Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động; Nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi về những rủi ro trong ngành y.

Là người hàng ngày trực tiếp đối mặt với nguy cơ bị bạo hành, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai đưa ý kiến chia sẻ, các y bác sĩ luôn làm việc với tâm huyết và mong muốn hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ đang làm việc trong điều kiện khó khăn, phương tiện, nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật…mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ nhưng vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, vấn đề bạo hành ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần các các bộ y tế. Đôi khi giữa tâm lý của người nhà bệnh nhân và y bác sĩ không phù hợp với nhau nên có thể dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

Các bệnh viện đều có quy trình, quy chế để chống sự cố y khoa nhưng chỉ có thể hạn chế và nó vẫn có thể xảy ra, không liên quan đến tinh thần, thái độ hay trách nhiệm của y bác sĩ. Mong mỏi báo chí thông tin cho công chúng hiểu được điều đó và cảm thông với công việc của những người làm nghề y.

Đại diện các cơ quan truyền thông, phóng viên Báo Công an nhân dân nhận định vấn đề hành hung nhân viên y tế rất đáng lên án, uy hiếp tính mạng, ảnh hưởng tinh thần của nhân viên y tế. Giới truyền thông luôn ủng hộ việc lên án và ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra.

Hầu hết nguyên nhân các vụ hành hung bắt nguồn từ thái độ ứng xử chưa chuẩn mực của nhân viên y tế, gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân. Theo PV đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ ở BV chưa được làm tốt, chưa thể can thiệp kịp thời khi có sự việc xảy ra. Qua khảo sát chỉ có BV Việt Đức và BC Phụ sản trung ương làm tốt công tác bảo vệ này nên đã ngăn chặn được các vụ hành hung.

Nguyên nhân đẫn dến thái độ bác sĩ chưa đúng mực là do công việc quá tải, ảnh hưởng phần nào đến thái độ với bệnh nhân.

Các vụ hành hung đều rơi vào các bệnh viện công, nhân viên y tế tỏ ra có quyền ban phát với bệnh nhân, không có sự đối xử công bằng giữa các bệnh nhân với nhau như các BV tư. Sự thiếu hiểu biết của người dân và sự mất niềm tin vào y bác sĩ.

Truyền thông có vai trò quan trọng, vừa thông tin vừa lên án, như một cách giáo dục để người dân hiểu đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Các chuyên gia của ngành y cũng có tiếng nói kịp thời khi có sự vụ xảy ra để tránh những sự cố đáng tiếc.

TS.Hoàng Minh Đỗ, Bệnh Viện Thanh Nhàn cho rằng vấn đề chống bạo hành trong BV đang được các cấp các ngành hết sức quan tâm. Tình hình an ninh trật tự các BV diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, một số trường hợp gây ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ y tế, mang lại tâm lý lo lắng cho cán bộ ngành y trong những ca trực cấp cứu.

Ông khẳng định hết sức chia sẻ với tâm lý người nhà bệnh nhân khi tiếp xúc với bác sĩ, điều dưỡng ở một thời điểm nào đó có thái độ chưa chuẩn.

BV đã lắp 63 camera để theo dõi nên đã phát hiện những đối tượng có hành vi vi phạm. Bản thân chúng tôi cũng tu dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ trên mặt trận y tế, luôn hướng tới làm quy trình tốt nhất để giảm thiểu tai biến cho người bệnh.

Các nhân viên y tế cũng luôn chú ý học tập về giao tiếp, ứng xử với người nhân và người nhà bệnh nhân để giảm thiểu những sự việc không mong muốn.

Thạc sĩ Đỗ Trung Hưng-Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế-Bộ Y tế chia sẻ một số thông tin về hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ danh dự, tính mạng nhân viên y tế (NVYT).

Luật pháp bảo vệ các nhân viên y tế về tính mạng, tài sản, được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong hệ thống pháp luật hiện nay, luật khám bệnh chữa bệnh có quy định về bảo vệ danh dự, tính mạng, tài sản của NVYT trong đó có quy định nghiêm cấm vi phạm danh dự, tính mạng, tài sản của người hành nghề…cùng nhiều văn bản, quy định khác với những nội dung bảo vệ sức khỏe, tình mạng của NVYT.

Bên cạnh đó, có những quy định cụ thể về việc xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm, xâm hại danh dự, tính mạng, tài sản của NVYT.

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của NVYT ở nơi xảy ra các sự việc. Bên cạnh đó, nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh, chưa thực sự đầy đủ, một phần xuất phát từ bản thân hành xử của cán bộ, NVYT.

Ông đề xuất một số nước có luật về phòng chống bạo lực tại cơ sở y tế như ở Mỹ, ngăn ngừa nguy cơ bạo lực trong BV, tăng cường giáo dục truyền thông về pháp luật và ý thức của cả NVYT và người bệnh, người nhà người bệnh.

Thạc sĩ Hưng bày tỏ mong muốn, bên cạnh đưa tin bài về những tấm gương tốt của cán bộ y tế, việc phản ánh chân thực các vụ bạo hành trong BV của báo chí cũng rất quan trọng. Báo chí sẽ hỗ trợ ngành y tế lên án, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến danh dự, tính mạng NVYT.

Tọa đàm tiếp tục với trao đổi của Luật sư Trần Quang Mỹ-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Hùng Vương cho rằng, về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã quy định rất chi tiết và đầy đủ nhưng trên thực tế làm chưa tốt và chưa đầy đủ. Bộ Luật Hình sự đã quy định cụ thể cho những hành vi gây rối, hành hung BS tại BV. Các hành vi bạo hành tại các BV đủ để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích.

Vì sao các vụ bạo hành xảy ra mà chưa được xử lý xác đáng? Thời gian vừa qua các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các vụ việc nhưng không có ai vào cuộc, do đó cần có sự vào cuộc của luật sư.

Việc đầu tiên cần làm là tổ chức, BV cần tìm cho mình 1 luật sư có nhân cách, có trình độ. Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để luật sư có thể hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của các y bác sĩ.

Đại diện cơ quan công an Quận Đống Đa cũng chia sẻ về trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng công an trong vấn đề này. Thời gian qua, các vụ việc phức tạp trong ngành y ngày càng tăng, đây cũng là một hệ quả của xã hội với sự quản lý chưa hoàn thiện. Trước thực trạng đó, GĐ Công an thành phố đã kéo các cơ quan liên quan vào cuộc và có quy chế đảm bảo an ninh trật tự tại các BV.

Ở phạm vi quận Đống Đa, sau khi có quy chế trên, công an đã chỉ đạo khảo sát, phối hợp với các BV, điều tra cơ bản những vấn đề liên quan, tổ chức các tổ công tác, phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến bệnh nhân, bác sĩ và những người làm việc tại BV.

Quận Đống Đa có 505 bệnh viện và cơ sở y tế. để bảo vệ những người làm việc tại các cơ sở này là vô cùng cần thiết. Chúng tôi đã triển khai các biện pháp tham mưu cho các chính quyền xã, phương có các cơ sở này đang hoạt động, liên tục phát hiện, bắt giữ những vụ phạm pháp trong BV và gần đây đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề giao thông ùn tắc tại cổng các BV. Ngành công an luôn cùng chiến tuyến với các cán bộ ngành y, lực lượng công an ngày đêm phối hợp, đảm bảo xây dựng xã hội ngày càng văn minh hơn.

TS. Trần Đức Long kết luận: Qua buổi Tọa đàm, với 8 ý kiến của các đại biểu đã mang lại những thông tin về nguyên nhân chủ quan, khách quan của các bên liên quan đến xây dựng, thực thi pháp luật dẫn đến mất an toàn trong BV.
Hai đối tượng gây nên bạo hành xã hội là cán bộ y tế trong chữa bệnh cứu người và cộng đồng xã hội, nhất là người nhà bệnh nhân trong ứng xử với hành động của cán bộ y tế.

Các ý kiến đã đưa ra các khuyến nghị giải pháp cho cả hai bên liên quan, trong đó nhấn mạnh sự tích cực, cùng chung tay ngăn chặn các vụ bạo hành xảy ra trong BV. Bên cạnh đó, cần nêu cao hơn nữa vai trò của truyền thông, góp phần truyền tải nội dung của buổi Tọa đàm, lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong BV.

Buổi Tọa đàm “Bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện” đã kết thúc tốt đẹp, thu hút sự chú ý của dư luận về vấn đề an ninh, an toàn bệnh viện để mỗi người dân khi đi khám chữa bệnh có ý thức hợp tác với thầy thuốc, tạo điều kiện cho các thầy thuốc làm nhiệm vụ cứu người. Đồng thời có kiến nghị về các cơ sở pháp lý bảo vệ sự an toàn, tính mạng cho đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế.

 

Nguồn: http://laodong.com.vn/

 

 
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh
 
Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh
 
Tel : 028.39325676 hoặc 0936217676- Fax: 028.39325965.
 
Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected]