Đang truy cập: 22
Trong ngày: 6
Trong tuần: 599
Lượt truy cập: 1065946

Tác dụng của laser với bệnh thoát vị đĩa đệm

Laser được dùng để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm lần đầu tiên vào năm 1987 hai bác sĩ Hoa Kỳ là Choy và Ascher thực hiện. Người ta cho rằng sau khi dùng laser đốt cháy một phần đĩa đệm, áp lực trong đĩa đệm giảm xuống làm cho khối thoát vị nhỏ lại, không còn chèn ép để gây đau nữa.

Phương pháp này gọi là PLDD, (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Percutaneous Laser Disc Decompression, nghĩa là giảm áp lực của đĩa đệm bằng laser xuyên qua da). Trong thập kỉ 90 của thế kỉ 20, PLDD phát triển rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến. Gần đây, do sự phát triển mạnh của các phương pháp nội soi, đặc biệt là phương pháp nội soi Yeung, sự ưa thích PLDD đã giảm xuống ở Hoa Kỳ và một số nước phát triển khác.

Nhiều công trình nghiên cứu của các bác sĩ nổi tiếng trên thế giới chứng minh rằng PLDD là phương pháp chữa bệnh rất tốt. Tuy nhiên, việc quyết định người bệnh nào có thể được chữa bằng PLDD và đặc biệt là kỹ thuật làm PLDD quyết định khả năng thành công. Phía sau của đĩa đệm có một dây chằng gọi là dây chằng dọc sau. Nếu đĩa đệm thoát vị còn chưa xé rách dây chằng dọc sau thì PLDD mới có hiệu quả, còn nếu dây chằng dọc sau của bạn đã bị rách thì tốt nhất tìm một cách chữa bệnh khác. Việc nhận biết khối thoát vị đã xé rách dây chằng dọc sau hay chưa không phải là dễ dàng. Việc này đòi hỏi phải có những bác sĩ vừa có kinh nghiệm trong việc khám chữa bệnh thoát vị đĩa đệm, vừa có kinh nghiệm với PLDD.

Chữa bệnh thoát vị đĩa đệm bằng PLDD đơn giản, ít đau đớn, không cần gây mê, người bệnh tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đặc biệt là không phải nằm viện. So với mổ hở, biến chứng của PLDD ít gặp hơn rất nhiều và thường cũng không nặng nề. Các biến chứng chung cho tất cả các loại thủ thuật như phản ứng với thuốc tê, chảy máu hoặc nhiễm trùng chỗ đâm kim rất hiếm gặp, tỷ lệ giống như ở các thủ thuật có tiêm chích khác. Đôi khi bệnh nhân đau tăng lên đột ngột trong lúc làm PLDD do khi đĩa đệm bị đốt cháy, khói chưa kịp thoát ra làm cho khối thoát vị to thêm gây chèn ép nhiều hơn. Nếu chọn lựa đúng bệnh nhân để làm PLDD và kỹ thuật thực hiện tốt thì tỷ lệ này chỉ khoảng 1 trên 1.000 trường hợp.

Các phương pháp LPDD và những hạn chế

Tuy nhiên, PLDD cũng có một số nhược điểm nhất định. Đây là một phương pháp kén chọn bệnh nhân và thật ra thì nhiều trường hợp được điều trị bằng PLDD cũng vẫn còn có thể chữa được bằng thuốc và vật lý trị liệu. Ở những trường hợp này, PLDD giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng khả năng chữa hết bệnh và đặc biệt là giảm số lượng thuốc đưa vào cơ thể bạn, tức là giúp bạn làm giảm đi các chất độc trong cơ thể mình. Khả năng chữa hết bệnh của PLDD mặc dù cao hơn nhiều so với chữa bằng thuốc và vật lý trị liệu nhưng lại thấp hơn so với mổ hở hoặc nội soi. Nhiều người bệnh chọn PLDD thay cho việc uống thuốc và tập vật lý trị liệu dài ngày. Một số người bệnh nhờ PLDD mà tránh phải mổ hở. Ngoài ra một số người bệnh chọn PLDD mặc dù biết rằng đối với loại thoát vị đĩa đệm mà họ có thì khả năng chữa hết bệnh bằng PLDD rất thấp nhưng họ vẫn hy vọng là nếu may mắn họ sẽ không phải mổ hở. Hơn nữa thì sau khi làm PLDD, việc mổ hở (nếu cần thiết) sẽ dễ dàng hơn và khả năng biến chứng sẽ ít hơn.

Trên bàn mổ người bệnh nằm nghiêng nếu làm PLDD ở lưng hoặc nằm ngửa nếu làm PLDD ở cổ. Sau khi sát trùng, bác sĩ sẽ xác định nơi chích kim trên máy chiếu X-quang. Sau khi gây tê xong, một cây kim sẽ được chích từ ngoài da vào đĩa đệm. Một sợi dây bằng thủy tinh nối với máy phát laser được luồn qua kim tới đĩa đệm. Laser sẽ đốt cháy một phần đĩa đệm. Khi đốt, người bệnh sẽ có cảm giác nóng và tức nhẹ ở nơi đốt, gần cuối sẽ có cảm giác nóng chạy dọc theo tay hoặc chân. Toàn bộ thời gian làm PLDD khoảng 15 phút cho một đĩa đệm. Sau khi xong, người bệnh nằm nghỉ khoảng 1-2 giờ và về nhà ngay trong ngày. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi làm PLDD, một số người bệnh bị đau do quá trình viêm gây ra, sau khi dùng thuốc sẽ hết. Thường thì sau một tuần người bệnh có thể đi làm lại được nhưng phải 3 tháng sau mới có thể đánh giá được chính xác kết quả của PLDD.

Nhiều người bệnh e ngại laser và tia X từ máy chiếu X-quang khi làm PLDD gây hại cho cơ thể. Nếu laser được sử dụng đúng cách và có bảo hiểm tốt cho đôi mắt thì được coi là vô hại. Còn tia X thì thật sự có hại, nhưng bạn hãy yên tâm, mặc dù được cái áo giáp che chở nhưng những người trực tiếp làm PLDD cho bạn sau một thời gian sẽ lãnh lượng tia X cao gấp nhiều lần mà bạn phải hấp thụ sau một lần nằm trên bàn mổ. Và nếu họ vẫn còn đủ khả năng làm PLDD cho bạn thì có nghĩa là lượng tia X mà bạn nhận chưa đủ để gây ra chuyện gì cả

 
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh
 
Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh
 
Tel : 028.39325676 hoặc 0936217676- Fax: 028.39325965.
 
Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected]