Đang truy cập: 16 Trong ngày: 110 Trong tuần: 1202 Lượt truy cập: 1054384 |
Theo Bộ Y tế, bệnh do virút Ebola vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại các nước Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tại TP.HCM, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có lượng khách nhập cảnh lớn nhất cả nước và có đông khách đến và đi từ vùng dịch Ebola. UBND TP.HCM đã chỉ đạo ngành Y tế và các ban ngành liên quan sẵn sàng đối phó với dịch bệnh trong mọi tình huống.
Bùng phát dịch lớn nếu biện pháp phòng chống không tốt
Tính đến ngày 14/8/2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.975 trường hợp mắc trong đó có 1.069 trường hợp tử vong tại 4 quốc gia xảy ra dịch bệnh Ebola. Theo BS. Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bệnh do virútEbola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao (lên đến 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của ngừời mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. Cho đến nay, bệnh do virút Ebola vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra nhà bạt dã chiến
Đến ngày 18/8/2014, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm virút Ebola. TP.HCM là nơi có cảng đường biển, đường hàng không, thường xuyên tiếp đón nhiều du khách và hàng hóa vận chuyển đến từ các nước trên thế giới, trong đó có hành khách đến từ các nước châu Phi. BS. Nguyễn Hưu Hưng cho biết, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào thành phố cũng như khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Giả định bàn tiếp nhận thông tin bệnh nhân bị nhiễm bệnh Ebola
Theo BS. Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM, mỗi ngày, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 3 chuyến bay từ khu vực Trung Đông (nơi có thể có những chuyến bay có hành khách từ vùng Tây Phi nhập cảnh về Việt Nam), với khoảng 750 hành khách. Trong thời gian từ ngày 11 - 16/8, đã có 13 trường hợp khai báo y tế, trong đó 12 trường hợp là hành khách đến từ nước có dịch Ebola là Nigeria.
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chỉ đạo vê việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Ebola, UBND thành phố đã triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh do virút Ebola nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh dịch này gây ra.
Giả định bệnh nhân được đưa vào phòng cách ly
Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai mục tiêu cụ thể theo từng tình huống dịch. Tình huống 1, chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Sẽ thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan, xem xét áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế (sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn…). Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.
Phương thức giám sát trong tình huống này, sử dụng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ. Tại cộng đồng, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát bao gồm những ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử ở/đi/đến từ vùng/quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người hoặc động vật xác định mắc bệnh Ebola hoặc tiếp xúc với bệnh nhân Ebola có liên quan đến vùng/quốc gia có dịch trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo trước khi bước vào cuộc diễn tập...
... và nghe đội trưởng đội phòng chống dịch báo cáo
Tình huống 2, xuất hiện ca bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam. Yêu cầu đặt ra trong tình huống này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến ca bệnh xâm nhập, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Trong tình huống này, phải giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát. Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối.
Trong tình huống xấu nhất, dịch lây lan trong cộng đồng, phải phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh, giám sát điều trị dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ca bệnh nghi ngờ theo định nghĩa ca bệnh của Bộ Y tế. Ở các ổ dịch đã được xác định, giám sát điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên. Cả 3 tình huống vừa nêu, tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc virút Ebola đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh Ebola và tổ chức thực hiện tốt các tình huống đặt ra, thành phố đã giao Sở Y tế chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan triển khai tốt việc giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, cửa khẩu đường biển và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virút Ebola để có phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời. Triển khai ngay việc tập huấn chuyên môn kỹ thuật, tổ chức tốt việc phân tuyến và thu dung điều trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong, không được để lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế và lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng…
Với các phương án triển khai việc phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Ebola tại TP.HCM rất quyết liệt, ngày 18/8, trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch Ebola tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và tham gia chỉ đạo, kiểm tra diễn tập phòng chống bệnh Ebola tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh tại TP.HCM. Đặc biệt là sự phối hợp rất nhịp nhàng và khoa học của các đơn vị trên địa bàn thành phố như: Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Viện Pasteur thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, y tế hàng không, công an cửa khẩu, hải quan…
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh Tel : 028.39325676 hoặc 0936217676- Fax: 028.39325965. Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected] |