Đang truy cập: 19
Trong ngày: 99
Trong tuần: 480
Lượt truy cập: 1065741

Chấn thương cột sống là tình trạng cột sống hoặc tủy sống bị thương tổn do chấn thương gây ra. Các tai nạn có thể gây ra chấn thương cột sống gồm có tai nạn lao động, tại nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao và ẩu đả.

Các kiểu chấn thương bao gồm té cao, vật từ trên cao rớt trúng người, cơ thể di động đập vào một vật đứng yên hoặc một vật di động đập vào cơ thể. Trong các kiểu chấn thương còn bao gồm cả tư thế cột sống của người bệnh khi chấn thương cúi hay ngửa… Tất cả những điều đó tạo nên các cơ chế chấn thương khác nhau và các loại thương tổn khác nhau.

Vì các thương tổn của cột sống do chấn thương gây ra thường hay có ở những chỗ chuyển tiếp giữa các phần bất động và di động của cột sống nên những vùng hay bị nhất là vùng bản lề gồm có:

Vùng cổ - sọ, được gọi là cột sống cổ cao, từ xương chẩm đến hết đốt sống cổ 2.

Vùng cổ thấp (do vùng trên của cột sống ngực được cố định chắc chắn bằng hệ thống xương sườn, xương đòn, xương bả vai nên toàn bộ các thương tổn bị đẩy lên phía trên), từ đốt sống cổ 3 đến đốt sống ngực 1.

Vùng lưng - thắt lưng, từ đốt sống ngực 11 đến hết đốt sống thắt lưng 2.

Thông thường người ta vẫn chia chấn thương cột sống thành 3 nhóm chính tùy theo vị trí gồm có chấn thương cột sống cổ (thương tổn xảy ra từ đốt sống cổ 1 đến đốt sống cổ 7), chấn thương cột sống ngực (hoặc cột sống lưng, thương tổn xảy ra từ đốt sống ngực 1 đến đốt sống ngực 12), chấn thương cột sống thắt lưng (thương tổn xảy ra từ đốt sống thắt lưng 1 đến đốt sống thắt lưng 5).

Các trường hợp chấn thương cột sống gây nên các thương tổn cho các cấu trúc của cột sống hoặc xung quanh cột sống, xương có thể bị gãy, dây chằng có thể bị đứt, đĩa đệm có thể bị vỡ, cơ có thể bị dập gây chảy máu… Các thương tổn này thường gây ra tình tạng mất ổn định ở khu vực bị chấn thương, làm cho người bệnh đau khi cử động, các phản ứng hóa học xảy khi có một bộ phận nào đó bị đụng dập gây ra đau cả khi không cử động.

Trường hợp nặng hơn, các mảnh vỡ hoặc máu chảy ra chèn ép vào tủy và các dây thần kinh gây ra các thương tổn thần kinh có thể rất trầm trọng. Vì tủy thường trải dài từ đốt sống cổ 1 đến đoạn đầu của đốt sống thắt lưng 2 nên những vùng hay bị chấn thương nhất của cột sống đều có thể gây ra các thương tổn tủy sống. Khi tủy bị thương tổn, người bệnh có thể bị tê, mất cảm giác, yếu hoặc liệt, có thể bí tiểu, táo bón kéo dài.

Ngay lúc chấn thương, nếu tủy bị đụng dập sẽ có một vùng tủy bị thương tổn, vùng này được gọi là vùng thương tổn nguyên phát. Nếu không có biện pháp kịp thời giải quyết được các chèn ép và ngăn chặn các phản ứng hóa học, vùng xung quanh của thương tổn nguyên phát bị phù nề và dần dần bị hư hỏng vĩnh viễn luôn, vùng này được gọi là vùng thương tổn thứ phát.

Theo các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về chấn thương tủy sống, trong đại đa số các trường hợp chấn thương vào tủy sống, vùng thương tổn nguyên phát thường rất nhỏ, chỉ có một số chức năng của tủy bị mất, trong khi đó vùng thương tổn thứ phát thường rất lớn. Làm ảnh hưởng đến hàng loạt chức năng. Việc tiến hành cứu chữa được nhắm vào vùng thương tổn thứ phát vì đại đa số các thương tổn nguyên phát đã không còn có thể hồi phục được.

Mặc dù thương tổn nguyên phát thường rất nhỏ nhưng đa số những người bệnh chấn thương cột sống có thương tổn tủy sống đều bị liệt ngay sau chấn thương. Đó là do tủy có một phản xạ gọi là sốc tủy. Khi tủy bị chấn thương, khu vực bị thương tổn và xung quanh nó ngưng hoạt động hoàn toàn, làm cho bệnh nhân bị liệt, mất cảm giác, bí tiểu… Hiện tượng sốc tủy kéo dài từ vài phút đến vài tiếng, vài ngày, vài tuần và thậm chí vài tháng, không ai biết tại sao lại có thời gian rất khác nhau giữa người này và người khác. Và như vậy thì sau một thời gian bị liệt, người bệnh phục hồi dần dần. Gia đình cám ơn các bác sĩ và vui mừng vì bệnh nhân đã tự phục vụ được cho bản thân tuy không thể trở về cuộc sống bình thường. Trong một số trường hợp, việc cám ơn đó là đúng nhưng trong nhiều trường hợp bác sĩ lẽ ra đã có thể làm tốt hơn, người bệnh có thể phục hồi được nhiều hơn và có thể được trở về với công việc bình thường. Ngoài ra hiện tượng phù tủy cũng làm mất chức năng tạm thời khu vực tủy bị phù, nếu sự “tạm thời” này kéo dài thì sẽ trở nên vĩnh viễn.

Có thể nói việc điều trị chấn thương tủy sống gặp một khó khăn cơ bản, đó là việc đánh giá kết quả. Không ai biết thương tổn nguyên phát lớn đến cỡ nào, như vậy thì không thể nói trước là người bệnh sẽ phục hồi đến mức độ nào, và ở mức độ mất chức năng cuối cùng thì người bệnh có bao nhiều phần là do thương tổn nguyên phát gây ra, bao nhiêu phần do thương tổn thứ phát gây ra. Chỉ có các nghiên cứu thật sâu với số lượng bệnh nhân rất lớn thì người ta mới thấy được là cần điều trị như thế nào để mang lại kết quả tốt nhấn cho người bệnh. Hoa kì là nước đi đầu trong những nghiên cứu này, một phần vì họ có tiền, một phần vì dân của họ đông (các nước Bắc Âu cũng nghiên cứu nhưng dân ít, số lượng bệnh nhân không nhiều). Các nghiên cứu đa trung tâm của Hoa kì cho thấy rằng nếu sơ cứu đúng cách, người bệnh bị chấn thương tủy sống được đưa đến bệnh viện sớm (trước 8 giờ sau khi chấn thương) và được các bác sĩ cứu chữa kịp thời, đúng cách thì tỉ lệ và mức độ bị thương tổn mất chức năng của tủy sống sẽ thấp hơn nhiều so với trong thực tế. Và sau khi thực hiện nghiêm túc các qui định của hiệp hội chấn thương cột sống Hoa kì, tỉ lệ các thương tổn vĩnh viễn đã giảm hẳn.

Ở nước ta, chúng ta không có tiền để làm các nghiên cứu lớn lao như vậy nhưng chúng ta có thể tận hưởng kết quả của những nghiên cứu đó một cách hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng việc huấn luyện về sơ cứu, cấp cứu gần như không có. Ngay cả khi bệnh nhân vào bệnh viện trước 8 giờ sau chấn thương cũng rất hiếm khi được điều trị đúng cách. Người viết bài này đã gặp rất, rất nhiều các khó khăn khi muốn đưa một loại thuốc để chống các phản ứng hóa học có thể làm tăng thể tích của vùng thương tổn thứ phát. Ngoài ra, tình trạng quá tải ở các bệnh viện cũng làm cho chất lượng điều trị giảm sút rõ rệt. Các thương tổn tủy sống được đặt xuống dưới các thương tổn não và như vậy khi bệnh nhân đông quá thì phải chờ, và thời gian “vàng” dần dần mất đi. Khác với các thương tổn chấn thương sọ não chỉ cần chụp CTScan là được, các thương tổn tủy sống phải chụp MRI mới có thể thấy được. Nhưng MRI phải đầu tư nhiều tiền, giá thành cũng cao và việc thiếu máy chụp cùng với việc ôm giữ bệnh nhân của các bệnh viện làm cho việc chẩn đoán bị chậm, dẫn đến cứu chữa không kịp thời. Ở một số trung tâm lớn, đa số bệnh nhân chấn thương cột sống cổ khi chụp được phim MRI thì đã muộn.

Có thể nói chấn thương cột sống – tủy sống hiện nay rất cần được quan tâm đúng mức, cả từ phía giới chức lãnh đạo đến các nhân viên y tế, cá nhân người bệnh và cả cộng đồng.

Theo TT Exson - BV STO PĐ

 
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh
 
Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh
 
Tel : 028.39325676 hoặc 0936217676- Fax: 028.39325965.
 
Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected]