Đang truy cập: 20
Trong ngày: 109
Trong tuần: 388
Lượt truy cập: 1056466

Chuối giúp ngăn ngừa chứng liệt do thiếu kali.

Căn bệnh đặc biệt này có tên là liệt chu kỳ gia đình, phát sinh khi có tình trạng hạ kali máu. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm đa dây thần kinh và chữa bằng Terneurine, rất tốn tiền mà vẫn không khỏi. Nếu được chẩn đoán đúng, việc điều trị sẽ rất dễ dàng.

Bạn có thể nhận biết sớm bệnh liệt chu kỳ gia đình do thiếu kali dựa vào các biểu hiện được ghi trong mấy bệnh án sau:

Chị Lưu Thị Phương, 32 tuổi, bị liệt cả 2 tay, 2 chân vào buổi sáng khi thức dậy; riêng cánh tay phải có cử động lại được một ít. Bệnh khởi 3 ngày trước khi nhập viện. Trước đây bệnh nhân chưa từng liệt bao giờ và gia đình không có ai giống như vậy. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhiệt độ, huyết áp bình thường. Khám thần kinh cho thấy bệnh nhân yếu 2 tay, 2 chân chỉ nhúc nhích được một ít, đứng tại chỗ được nhưng không thể nào đi lại; ngoài ra không có rối loạn cảm giác nào được ghi nhận, các phản xạ gân xương vẫn còn. Tim phổi hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ nghĩ ngay tới bệnh liệt chu kỳ gia đình do thiếu kali, và các xét nghiệm đã khẳng định điều này. Bệnh nhân được điều trị ngay bằng chlorure de kali dạng gói. Ngay ngày hôm sau, tay chân bệnh nhân đã cử động được. Năm ngày sau, chị đi lại như thường. Sau đó, mỗi lần bệnh tái phát, chị Phương lại được cho dùng muối chlorure de kali.

Chị Nguyễn Ngân Hương 27 tuổi ở Đồng Nai bị liệt tứ chi 15 ngày trước khi vào bệnh viện . Trước đó, chị đã được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh, tiêm 5 hộp Terneurine không có kết quả. Khi đã được chẩn đoán liệt chu kỳ và dùng muối chlorure de kali, bệnh nhân đã hồi phục. Giá mỗi gói thuốc chỉ xấp xỉ 10.000 đồng.

Theo y văn thế giới, bệnh liệt chu kỳ do thiếu kali có tính chất gia đình (có nhiều người trong gia đình đều mắc) và tương đối hiếm gặp. Bệnh thường xuất hiện ở thanh niên nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Mỗi đợt liệt kéo dài vài giờ đến vài ngày, tái đi tái lại nhiều lần trong năm. Ở Việt Nam, bệnh thường có tính cá nhân (trong gia đình không ai bị), các đợt liệt thường kéo dài hơn, có khi cả 2 tuần. Cũng có khi bệnh không tái phát. Chẩn đoán bệnh này khá dễ dàng nhờ các triệu chứng: cơn liệt thường xảy ra vào buổi sáng lúc mới thức dậy, liệt tứ chi, đặc biệt có hồi phục phần nào vài giờ hay vài ngày sau đó. Bệnh nhân hoàn toàn không có rối loạn cảm giác, các phản ứng gân xương vẫn còn.

Tại sao bệnh nhân thiếu kali bị liệt tứ chi? Ion kali rất cần cho sự co rút các cơ. Ở bệnh nhân có những đợt hạ kali trong máu, các cơ không còn hoạt động theo ý muốn nữa, gây liệt. Tuy vậy, không phải chứng liệt nào cũng là bệnh liệt chu kỳ. Vì vậy, cần lưu ý:

- Nếu bệnh nhân liệt nửa người té ngã sau khi đi tiểu buổi sáng sớm hay sau khi ăn tiệc xong, đó là tai biến mạch não, thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Dân gian gọi là trúng gió, nhưng việc cạo gió càng làm tăng huyết áp, khiến bệnh càng nặng hơn. Tai biến mạch não có 2 dạng thường gặp. Một là xuất huyết não với biểu hiện mê man, thở phì phò, liệt nửa người méo miệng, cao huyết áp; diễn tiến bệnh rất nặng, đa số chết trong vòng 3 ngày đầu. Hai là nhũn não do tắc mạch não, biểu hiện là bệnh nhân còn tỉnh, liệt nửa người, nói không rõ hay á khẩu. Việc chữa trị tích cực cho kết quả tốt nhất trong 15 ngày đầu. Để quá lâu, bệnh nhân có thể tàn phế vĩnh viễn, không đi lại được vì lúc ấy thương tổn trên não đã thành sẹo.

- Bệnh nhân bị liệt 2 chân cần loại trừ viêm đa dây thần kinh gặp ở những người nghiện rượu mãn tính, tiểu đường, thiếu máu, thiếu B1... Ở các bệnh trên, sẽ có thêm rối loạn cảm giác (tê chân), mất phản xạ gân xương, khác hẳn với bệnh liệt chu kỳ.

Có thể điều trị bệnh liệt chu kỳ khá dễ dàng bằng chlorure de kali hằng ngày cho đến khi cơn liệt chấm dứt. Tuy vậy, bệnh nhân thường có những đợt liệt tái phát. Cách phòng ngừa tốt nhất là ăn nhiều chuối hoặc uống ce kali hàng ngày. Thuốc này chỉ được dùng với sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự mua dùng để trị liệt vì có ảnh hưởng xấu trên tim mạch khi dùng quá liều.

BS Dương Minh Hoàng, Sức Khỏe & Đời Sống

 
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh
 
Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh
 
Tel : 028.39325676 hoặc 0936217676- Fax: 028.39325965.
 
Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected]