Đang truy cập: 2
Trong ngày: 14
Trong tuần: 321
Lượt truy cập: 398046

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp với Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) với dịch bệnh MERS-CoV chiều ngày 18/06/2015.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long – phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

            Theo đó tính đến ngày 18/6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 3 ca nhiễm MERS-CoV mới và 4 trường hợp tử vong. Từ ngày 20/5/2015 đến nay nước này đã ghi nhận 165 trường hợp mắc, 23 trường hợp tử vong. Tổng số người tiếp xúc gần bệnh nhân được giám sát đến 17/6/2015 là 6.508 người trong đó có 3.951 đã qua 14 ngày. Tính đến ngày 18/6/2015, tổng số ca nhiễm MERS-CoV trên thế giới là: 1332 trường hợp, trong đó 470 ca tử vong tại 26 nước, gồm: Ca bệnh tại chỗ (9 nước): Ả Rập Xê Út,  Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran. Ca bệnh xâm nhập (17 nước): Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ai Cập, Mỹ,  Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc.



Toàn cảnh cuộc họp

Trong thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc. Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động trong công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: Xây dựng chương trình hành động của BYT  về phòng chống MERS-CoV; Tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác chỉ đạo; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn phòng chống dịch bệnh và chống nhiễm khuẩn cho các cơ sở khám chữa bệnh; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để  giám sát tại cửa khẩu; Tăng cường giám sát tại cộng đồng, tại cơ sở y tế, đặc biệt là đối với những trường hợp có hội chứng viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân và có tiền sử trở về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày; Tăng cường công tác truyền thông; Thành lập 4 đội RRT tại 4 khu vực; Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo địa phương phòng chống dịch bệnh MERS-CoV;

Biểu đồ thông tin tình hình dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc

Tại cuộc họp, đại diện WHO và CDC cho hay chưa có bằng chứng khoa học chứng minh việc thay đổi phương thức lây truyền dịch bệnh MERS-CoV tại cộng đồng. Tuy nhiên đại diện tổ chức WHO cũng cho hay, Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới tại phiên họp lần thứ 9 cũng khẳng định sự cần thiết áp dụng các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh như: Tăng cường theo dõi người tiếp xúc gần, đảm bảo các trường hợp mắc và người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh) được cách ly và giám sát thích hợp. Theo dõi chặt chẽ người tiếp xúc vẫn là biện pháp quan trong đảm bảo ngăn chặn sự lây truyền của dịch bệnh. Đặc biệt là cần nâng cao tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông thông tin nhằm ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, rút kinh nghiệm từ bài học của y tế Hàn Quốc. Song song với việc cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tới người dân, Thứ trưởng đề nghị:

  1. Tiểu ban truyền thông cần đưa ra những khuyến cáo rõ ràng, cụ thể, tập chung tuyên truyền để người dân chủ động hơn trong việc phòng chống dịch. Cán bộ y tế phải hiểu phương thức lây truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch MERS-CoV cũng như tuyên truyền tại cơ sở khám chữa bệnh của mình cho người dân cách tốt nhất;
  2. Tiểu ban điều trị cần cập nhật thông tin thường xuyên có hướng dẫn tập huấn đầy đủ, chi tiết các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện  và các cơ sở y tế với nhân viên tại các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước;
  3. Cần khuyến cáo người dân nên hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh khi không cần thiết; khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi đến các cơ sở khám chữa bệnh; người dân cũng cần hạn chế đi du lịch tới các vùng dịch trong giai đoạn này.
  4. Đội phản ứng nhanh tại các tỉnh, thành phố cần trực 24/24h, niêm yết số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ về phòng, chống dịch MERS-CoV tại các BV và cơ sở y tế.

Khuyến cáo người dân chủ động phòng chống dịch MERS-CoV

 

1.     Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.

2.    Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

3.     Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4.    Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

5.     Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.

6.    Những người trở về từ Khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV.

7.    Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh MERS CoV của Bộ Y tế

 

 

 

Nguồn: Ban Biên tập CTTĐTBYT

 
Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp Hồ Chí Minh
 
Địa chỉ : Số 70. Bà Huyện Thanh Quan. Phường Võ Thị Sáu. Quận 3. Tp Hồ Chí Minh
 
Tel : 028.39325884 - Fax: 028.39325965.
 
Website : trungtamchinhhinh.vn - Email : [email protected]